Theôngchỉgỡthẻvàvũ thu phươngo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định. Từ khi bị EC "rút thẻ vàng" IUU vào tháng 10.2017, VN đã gặp thiệt hại không nhỏ vì những rào cản khi tiếp cận thị trường châu Âu - một thị trường không phải chỉ lớn về quy mô mà còn cả giá trị cao. Kể từ đó đến nay, chúng ta đã phải tốn không biết bao nhiêu công sức, nỗ lực để đạt nhiều bước tiến trong việc thực thi 4 nhóm khuyến nghị của EC, nhưng đến nay vẫn chưa được gỡ bỏ "thẻ vàng".
Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 7.10 đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần không ngừng nâng cao ý thức người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa việc xử lý vi phạm, tuyên truyền, vận động, giáo dục và chăm lo, nâng cao đời sống ngư dân, tạo sinh kế, việc làm cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến và giảm thiểu đánh bắt xa bờ.
"Cần làm sao để người dân có ý thức, thực hiện nghiêm "đi khai, về báo" một cách tự giác vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng, của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các bộ ngành cũng thừa nhận công tác chống IUU còn nhiều bất cập, hạn chế như tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; việc xử phạt các hành vi vi phạm có nơi, có lúc còn chưa thực sự nghiêm túc…
Không chỉ vấn đề kinh tế, những hành vi ấy còn tạo ra không ít hệ lụy cho vấn đề đối ngoại, bao gồm cả việc xử lý một số tranh chấp, phân định chủ quyền trên biển. Xa hơn còn là những đánh giá tiêu cực của cộng đồng quốc tế mà xuất phát chỉ từ sai phạm của một số ít người.
Chính vì thế, chúng ta không thể trì hoãn mà cần phải hành động đồng bộ để phải sớm giải quyết triệt để các hành vi IUU.
Trong đó, chính quyền cơ sở tại các vùng ven biển quản lý ngư dân có vai trò hết sức quan trọng để giải quyết tận gốc vấn đề khi kiểm soát ngay từ vòng đầu hoạt động của các tàu cá như yêu cầu về trang thiết bị giám sát, giấy phép đánh bắt và tuân thủ quy định đánh bắt. Khi phát hiện các tàu cá sai phạm thì phải xử lý nghiêm.
Các đường dây móc nối ngư dân đi đánh bắt bất hợp pháp cũng thường kết nối đến tận các địa phương, nên để xử lý các đường dây này thì cũng đòi hỏi các chính quyền sở tại phải vào cuộc ngăn chặn triệt để. Tương tự, các chính quyền địa phương cũng đóng vai trò tiên phong để thực hiện chuyển đổi ngành nghề cho một số ngư dân.
Tất nhiên, kèm theo đó còn có trách nhiệm của các lực lượng chấp pháp trên biển vốn có vai trò kiểm soát thực địa.
Chỉ khi tiến hành đồng bộ như thế thì chúng ta mới có thể chống IUU hiệu quả nhằm không chỉ gỡ "thẻ vàng" mà còn ngăn chặn các hệ lụy khác.