Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ,ácsĩchiasẻloạitràtốtchosứckhỏ7m.cn Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, chia sẻ một số dược liệu quen thuộc trong cuộc sống có thể chế biến thành trà có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Trà khổ qua
Trái khổ qua tươi để cả hạt, thái mỏng, phơi khô, dùng trái già (không dùng trái chín). Hãm nước sôi dùng như nước trà. Các chất trong khổ qua có tác dụng sinh học giống như insulin và kích thích tuyến tụy tăng cường tiết insulin theo nhu cầu của cơ thể. Một số thành phần trong khổ qua giúp cơ thể ức chế sự chuyển hóa và hấp thu đường, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và ổn định đường huyết ở người tiểu đường.
Trà bí đao
Cho nguyên quả bí còn vỏ và ruột lẫn hạt vào nồi, đổ đường nâu và long nhãn vào, đảo đều, ướp trong 30 phút. Đun bí trên bếp khi sôi cho lửa nhỏ, hầm khoảng 2 tiếng, tới khi bí nát nhừ, nước bí nâu và sánh. Múc vào rây mắt nhỏ và ép lọc nước cốt, bỏ bã. Cất trà vào bình thủy tinh đã đun tiệt trùng, đậy kín để ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Thành phần chủ yếu của bí là nước, nhưng khi được hấp thụ vào cơ thể có tác dụng hạn chế sự giữ nước. Bí đao giúp cơ thể thải được chất độc ra ngoài. Vì thế bí đao không những giúp giảm cân hiệu quả mà còn có tác dụng làm đẹp da.
Ngoài ra, trà bí đao cũng là một loại thức uống phổ biến hằng ngày giúp thanh nhiệt cơ thể. Loại đồ uống này có chứa nhiều chất chống ôxy hóa, vì thế nó rất tốt cho hệ tiêu hóa, làm giảm căng thẳng, mệt mỏi và tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Trà atisô
Trà atisô được coi là "thần dược" đối với bệnh gan vì nó làm sạch các độc tố trong gan, bởi gan làm chức năng lọc thải chất độc nên dễ bị nhiễm độc. Nếu bạn uống quen trà atisô sẽ thấy vị của nó khá đậm đà dễ chịu và cũng khá ngon. Atisô làm cho da mịn màng, ít bị mụn và khô ráp.
Trà xanh
Trong lá trà xanh (chè xanh) có chứa tới 20% tanin là một chất có tác dụng làm săn da, sát khuẩn mạnh. Ngoài ra, trà xanh còn có cafein với tỷ lệ 1,55%, một số vitamin B1, B2 và C.
Nước chè xanh giúp đầu óc minh mẫn (cho cả người già và người trẻ), chống trầm cảm. Các hợp chất thơm và theanin có tác dụng giảm stress, chống dị ứng, giúp não thư giãn. Caffein dưới dạng hợp chất tanat làm cho tinh thần sảng khoái, tăng hoạt động của tim, giảm mệt nhọc.
Ngoài ra, các chất chống ôxy hóa trong trà xanh còn giúp phòng chống bệnh tim mạch, giảm lượng cholesterol xấu, chống xơ cứng mạch máu, phòng chống đột quỵ.
Trà hoa hòe
Hoa hòe có tác dụng tăng sức bền thành mạch, cầm máu. Nó cũng giúp tăng cường sức co bóp cơ tim, hạ huyết áp, hạ mỡ máu và làm chậm quá trình xơ vữa động mạch. Hoa hòe sao, cho vào nước sôi hãm, dùng nước uống.
Lưu ý khi sử dụng
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ khuyến cáo để trà thảo dược phát huy hiệu quả, cần sử dụng đúng liều lượng, không nên lạm dụng, không nên uống thường xuyên một loại trà có thể ảnh hưởng xấu tới tiêu hóa, như tanin trong trà xanh giảm khả năng hấp thụ sắt và vitamin B1...
Người có bệnh khi dùng trà thảo dược phải có hướng dẫn của người có chuyên môn, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Với người không có bệnh, tùy tiện uống nhiều trà thảo dược có thể bị ngộ độc dược chất. Người bệnh đang dùng thuốc điều trị, khi sử dụng trà thảo dược cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để tránh các tương tác không mong muốn.